Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Bài học đắt giá từ cú ngã Nokia

5 năm trước, Nokia giữ vị thế thống trị áp đảo trên thị trường di động, song vào tháng 9/2013 vừa qua công ty Phần Lan đã phải bán đi mảng di động của mình cho Microsoft. Đây là một bài học đắt giá cho những công ty đứng đầu thị trường đồ điện tử người tiêu dùng.
 
Nokia cai to doanh nghiep Bài học đắt giá từ cú ngã Nokia
 
Hiện tại, Nokia đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình cải tổ doanh nghiệp của mình. Bài học về Nokia là một trường hợp điển hình cho thấy sự chuyển biến quá nhanh, những rủi ro quá lớn và cả phần thưởng/sự trừng phạt quá khủng khiếp của thị trường đồ điện tử công nghệ cao dành cho người tiêu dùng.
 
Theo tờ Inquirer, việc Nokia bán mảng di động với giá 7,5 tỉ USD cho Microsoft là do công ty Phần Lan đã tăng trưởng quá nhanh, quá mạnh, khiến các nhà quản lý của công ty “say” trong men chiến thắng của chính mình.
 
Sau nhiều năm iPhone trở thành đại diện cho cả thị trường smartphone/điện thoại di động, các thế hệ tương lai khó có thể hình dung được rằng vào thời hoàng kim năm 2007, Nokia chiếm tới 50% thị phần smartphone.
 
Tại Nokia, mọi người trở nên quá kiêu căng, kết quả là họ phản ứng với các thay đổi xung quanh quá chậm“, Petri Rouvinen, một nhà nghiên cứu tại công ty ETLA khẳng định với AFP.
 
Các cải tiến công nghệ do iPhone mang tới thay đổi hoàn toàn cục diện của ngành smartphone. Sự ra mắt của iPhone cho thấy trong ngành công nghệ, việc tung ra đúng sản phẩm vào đúng thời điểm có ý nghĩa tới sự sống còn của mỗi công ty.
 
Cả iPhone và màn hình cảm ứng lớn đã trở thành một trào lưu thời trang trên toàn cầu. Hệ điều hành di động iOS và chợ ứng dụng/nội dung trở thành một nguồn thu khổng lồ cho Apple. Khi Google bắt đầu tung ra Android vào năm 2009, mọi thứ đã trở nên rõ ràng: các nhà sản xuất không còn kiểm soát nguồn thu từ hệ điều hành và các ứng dụng.
 
Từ bài học kinh doanh này, Rouvinen khẳng định: “Từ năm 2007, chúng ta không còn có thể nói rằng viễn thông, điện tử tiêu dùng và máy vi tính là các ngành nghề riêng biệt. Bây giờ, chỉ còn lại một ngành công nghiệp, và đó là ngành công nghệ số”.
 
Và đó là lý do vì sao Apple đã vươn lên dẫn đầu một cách mạnh mẽ: Apple đem đến phần mềm “chuẩn” và thiết bị “chuẩn” vào cùng một thời điểm. “Nếu Apple đóng cửa mảng PC gây lỗ khổng lồ vào thập niên 2000, Quả táo sẽ không thể nào ra mắt iPod, iTunes, iPad…”, nhà nghiên cứu Tero Kuittinen của công ty Alekstra khẳng định.
 
Thực tế, các nhà quản lý của Nokia đã biết trước rằng cuộc cách mạng smartphone sẽ diễn ra. Song, trong một cuốn sách mới được phát hành, cựu CEO của Nokia, Jorma Ollila khẳng định rằng Nokia đã “ra đòn” quá sớm: công ty Phần Lan đầu tư vào smartphone khi các nhà mạng chưa tung ra các dịch vụ tương ứng.
 
 
Các nhà phân tích cũng nêu ra thêm một bài học: Các công ty cần đề cao những con người có khả năng chuyên môn cao. Một trong những lý do thất bại là do Nokia đã có một nền văn hóa “tôn thờ” Ollila tới 14 năm, cho tới tận 2006.
 
Ngành công nghệ cao sẽ tiếp tục “hỗn loạn” trong thời gian dài
 
Trong thời điểm chuyển giao, ban quản trị phải có những chuyên gia thực sự, không phải là những nhà điều hành ‘ngẫu nhiên’. Kuittinen khẳng định Ollila đã bị bao quanh bởi “những kẻ nịnh bợ kém cỏi, không thể đối đầu với các thử thách về phần mềm”.
 
Nokia đã tiếp tục phát triển hệ điều hành Symbian, song lại đưa ra màn hình cảm ứng quá chậm. Đến năm 2010, công ty Phần Lan liên kết với Intel để phát triển một hệ điều hành di động mới, song chỉ 1 năm sau đã bỏ cuộc và chuyển sang dùng nền tảng Windows Phone mới của Microsoft.
 
Nokia chỉ là một ví dụ đau buồn về những ván bài có giá quá cao trong ngành công nghệ cao.
 
Trong quá khứ, cả Ericsson và Motorola đều đã phải chịu chung số phận: bị các sáng tạo đột phá (của các công ty khác) đánh bại, và sau đó phải bán đi mảng di động của mình. BlackBerry là cái tên mới nhất trong danh sách bi thảm này, và Sony sau khi mua lại toàn bộ cổ phần của Ericsson trong liên doanh Sony Ericsson giờ vẫn chật vật kiếm tìm lợi nhuận – ngay cả khi thương hiệu Sony gắn liền với chất lượng cao.
 
Các công ty luôn phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để tái cơ cấu. Hiện tại, Nokia đang tập trung vào mảng thiết bị mạng di động có khả năng sinh lời nhiều hơn, sau khi mua lại toàn bộ liên minh Nokia Siemen Networks.
 
Giờ đây Nokia có thể tập trung vào các mảng kinh doanh khác”, Rautanen khẳng định sau khi đưa ra dự đoán về kế hoạch sử dụng 5,44 tỉ EURO thu được sau thương vụ bán mảng thiết bị di động. Các nhà phân tích cho rằng Nokia là “người thắng cuộc” trong thương vụ Nokia – Microsoft, bởi công ty Phần Lan đã bán đi được một mảng kinh doanh quá thua lỗ và thu lại rất nhiều vốn.
 
 Bài học đắt giá từ cú ngã Nokia
 
Từ trước khi nổi danh với mảng di động, Nokia đã là một ví dụ điển hình về khả năng chuyển đổi ngành nghề thành công. Khởi điểm của Nokia là một xưởng bột giấy, sau đó mua lại một công ty cao su chuyên sản xuất giày và lốp xe. Tiếp đó, Nokia gia nhập vào mảng thiết bị điện tử, viễn thông. Khi thị trường viễn thông bùng nổ vào đầu thập niên 1990, Nokia bán mảng thiết bị điện tử, tập trung vàođiện thoại di động, thiết bị mạng và trở thành thương hiệu điện thoại di động số 1 thị trường.
 
Tuy vậy, quá trình “khẳng định tên tuổi” của Nokia trong ngành thiết bị mạng nói riêng và ngành công nghệ cao nói chung sẽ là rất khó khăn, do vòng đời sản phẩm quá ngắn và các thay đổi lớn diễn ra quá thường xuyên, nhanh chóng.
 
Theo Rouvinen, hoàn cảnh môi trường dẫn tới sự sụp đổ của Nokia sẽ không thay đổi. “Việc có quá nhiều thay đổi trong 5 năm vừa qua không có nghĩa rằng 5 năm tới cũng sẽ ‘hỗn loạn’ như vậyNhưng tôi vẫn dự đoán rằng thị trường công nghệ cao vẫn sẽ thay đổi với tốc độ ngang bằng hoặc thậm chí là nhanh hơn”.
 
Có lẽ quy luật suy thoái sau chu kỳ hoàng kim sẽ không có ngoại lệ, những tên tuổi đang thành công hiện nay cũng có thể sẽ trở thành dĩ vãng chỉ sau một đêm, giống như Nokia đã từng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét